Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Có nên cho thí sinh mang máy quay vào phòng thi?



Mùa tuyển sinh 2013 đã đến rất gần


Để tìm được câu trả lời còn phải tranh cãi dài dài.

Dự thảo khuyến khích phát hiện tiêu cực

Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT đang được đăng tải xin ý kiến thì năm 2013 sẽ có một số điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý để cho tổ chức, cá nhân có thể tham gia phản ánh gian lận trong thi cử.

Cụ thể, đối với vật dụng được phép mang vào phòng thi được điều chỉnh theo hướng linh động và cũng tạo điều kiện cho việc thu thập bằng chứng để phản ánh gian lận trong thi cử. Nếu như trước các vật dụng cần thiết để làm bài thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ yêu cầu không được gắn linh kiện điện tử thì nay dự thảo không yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên các thiết bị này phải đảm bảo không truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (đã hoặc chưa sử dụng). Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng có những phương án mang tính ràng buộc người tố cáo. Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi. Tất nhiên, danh tính người tố cáo sẽ được giữ kín.

Từ dự thảo này, có thể thấy Bộ GDĐT đã đưa ra một hướng mở cho những cá nhân muốn chống tiêu cực trong các kỳ thi. Thế nhưng, đằng sau dự thảo này, có nhiều ý kiến phản bác và đương nhiên những ý kiến đó không phải không có lý.


Sẽ có trường hợp lợi dụng

Ngay đầu tiên phải nói, quay phim để chống tiêu cực (nếu thực sự với mục đích đó) là một việc làm tốt. Thế nhưng, khi đã có văn bản của Bộ GD ĐT khuyến khích việc chống tiêu cực bằng cách này lại là một vấn đề khác.

Thứ nhất, trong dự thảo nêu rõ các thiết bị được sử dụng phải đảm bảo không truyền tin hoặc chứa thông tin để có thể lợi dụng để gian lận trong thi cử. Thế nhưng, liệu Bộ GD ĐT có dám đảo bảo, giám thị cả nước đủ trình độ công nghệ thông tin để phân biệt được tất cả các loại máy quay, ghi hình có tác dụng như thế nào trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng tinh vi?

Thứ hai, giám thị sẽ xử lý như thế nào khi phát hiện có người trong phòng thi đang quay phim các thí sinh khác trong giờ làm bài? Đây là việc làm nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới quá trình làm bài của cả phòng thi. Nếu giám thị xử lý người quay phim, đương nhiên một cuộc tranh cãi sẽ xảy ra khi người đó khẳng định mình chỉ quay để chống tiêu cực. Còn nếu không, các thí sinh trong phòng sẽ bị ức chế về tâm lý khi có người liên tục quay mình đang làm bài.

Thứ ba, nếu có một đường dây tiêu cực, thí sinh có thể quay chính lại bài làm của mình để sau buổi thi chuyển cho một cá nhân khác nhằm chạy điểm, vậy lúc đó, công tác dọc phách bài thi có còn ý nghĩa?

Thứ tư, một thí sinh đi thi chỉ nhăm nhăm quay clip tiêu cực thì phải đặt câu hỏi về mục đích đi thi của thí sinh đó. Đấy phải chăng là công việc của cơ quan công an, cơ quan an ninh, những đơn vị được "chỉ mặt đặt tên" trong việc chống tiêu cực?

Bôn câu hỏi nêu trên chính là những câu hỏi tranh cãi nhất trên cộng đồng mạng suốt một năm qua từ ngày vụ tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang do thí sinh quay lại bị phanh phui. Những câu hỏi đó chỉ được khơi lại ở thời điểm này.

Thiết nghĩ, Bộ GD ĐT cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa việc cho phép mang các thiết bị ghi hình vào phòng thi để chống tiêu cực nếu không muốn "nối giáo cho giặc".

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Không bỏ điểm sàn trong mùa tuyển sinh 2013


Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết trong mùa tuyển sinh năm 2013 vẫn chưa có thay đổi lớn và không bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng.
Không bỏ điểm sàn 
Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã họp để trình kiến nghị lên Bộ GD-ĐT về việc bỏ thi “3 chung” và bỏ điểm sàn ngay trong mùa tuyển sinh năm 2013. Đại diện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng nhiều năm nay các trường đại học công lập đều bằng điểm sàn khiến cho các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga lại cho rằng chỉ tiêu về điểm sàn đã được Bộ GD-ĐT tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo nguồn tuyển. Nhiều em trên điểm sàn nhưng lại đi học hệ cao đẳng có uy tín.